Chuyển đến nội dung chính

Đọc và xem xét khía cạnh bảo trì trong thảm họa tại Thành phố Bhopal Ấn Độ 1984

Thảm họa Bhopal ngày 02-02/12/1984 tại NM SX thuốc trừ sâu của Union Carbide ở Bhopal- Ấn Độ; Rò khí methyl isocyanate gây tử vong 3787 người, phơi nhiễm 500.000 người, tổng thiệt hại US $450 milion.

Thành phố Bhopal và nhà máy giết người hàng loạt
Chỉ trong một đêm 02 rạng sáng 03/12/1984, có đến 3,000 người chết; 5,000 người nữa ngã xuống trong vòng 3 ngày sau đó; và suốt hơn 20 năm sau, không dưới 15 ngàn người đã được ghi nhận là tử vong. Trong khi đó, 120 ngàn người khác, cho đến nay, vẫn còn bị các di chứng kinh niên đang ngày đêm phải oằn oại chịu đựng bởi những căn bệnh hiểm nghèo nhất, trong những điều kiện khốn cùng nhất.
Đó là những con số tử thần của một thảm họa môi trường xảy ra tại một nhà máy thuốc trừ sâu ở thành phố Bhopal, Ấn, hơn 20 năm trước đây. Nếu so sánh với quả bom nguyên tử "Fat Man", tương đương với 21 ngàn tấn thuốc nổ TNT, đã làm thương vong khoảng 80 ngàn người Nhật ở thành phố Nagasaki vào năm 1945; thì có thể nói, Bhopal đã phải chịu sự tàn phá kinh hoàng của một lượng TNT không dưới 4 ngàn tấn.
Như một tiếng chuông cảnh tỉnh, quả bom nhiều-ngàn-tấn Bhopal đã làm cho thế giới bắt đầu có ý thức hơn về sự nguy hiểm của hóa chất độc hại, về ảnh hưởng của công nghệ đối với môi trường cũng như sức khỏe, đời sống và sinh mạng của con người.
Tuy nhiên, hiện nay cái ngòi nổ vẫn còn nguyên vẹn cho một thảm họa tương tự có thể xảy ra, vào bất cứ lúc nào, ở nhiều nơi trên trái đất; đặc biệt là ở các nuớc nghèo đang phải chấp nhận những dự án đầu tư "bẩn" từ nước ngoài với hy vọng, hay là ảo vọng, bằng mọi cách, vực dậy nền kinh tế, bất chấp các vấn đề nghiêm trọng về an toàn lao động và an ninh môi trường.
Theo TS Wigman, Trưởng khoa an toàn lao động, Đại học UCLA, Mỹ, cho biết, cách đây không lâu, thì "tình hình thực tế hiện nay cho thấy, không có nghi ngờ gì cả, 100% là một thảm họa tương tự như ở Bhopal sẽ xảy ra; dù mực độ lớn nhỏ có thể sẽ khác nhau chút ít, nhưng chắn chắn là nó sẽ xảy ra, không chỉ một lần mà sẽ là nhiều lần như thế nữa..."
Cho đến ngày nay, nhiều người nhìn lại thảm họa kỹ nghệ lớn nhất trong lịch sử nầy, không khỏi bàng hoàng trong xúc động tột cùng; và có người xem đó, không gì khác hơn, là một tội ác chống lại nhân loại.

Chuyện gì đã xảy ra ở Bhopal mà hậu quả của nó lại tồi tệ đến như thế?

Nhà máy thuốc trừ sâu
Bhopal là thủ phủ của bang Madhya Pradesh nằm ở một vị trí địa lý như là trung tâm của nước Ấn. Nhắc tới thành phố nầy, ít ai khỏi liên tưởng đến Taj Mahal nổi tiếng nguy nga, thu hút rất nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, mà vua Shah Jahan, thuộc triều đại Mughal, đã xây dựng suốt hơn 20 năm để tỏ lòng yêu quí và nhớ thương người vợ thứ ba của mình, bà Mumtaz Mahal, qua đời vào năm 1631, khi hạ sinh cho ông người con thứ 14. Đó là câu chuyện tình lãng mạn, vợ-chồng, vua-chúa và lăng tẩm, ở Bhopal, vào thời giữa thế kỷ thứ XVII.
Ngày nay, với khoảng 1,5 triệu dân, thành phố lâu đời nầy sản xuất vải sợi, hàng tiêu dùng điện tử, tư trang vàng bạc đá quí, hóa chất cũng như cơ khí, và xay xát lúa gạo. Lợi dụng đường xe lửa Bhopal-Ujain đi qua thành phố; rất thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa đi khắp các vùng miền của nước Ấn; nhiều công ty đa quốc gia, có tầm cỡ, đã tập trung đến đây đầu tư; nổi bật nhất là từ Mỹ ( Procter Gamble, Union Carbide), Thụy sĩ ( VA Tech Hydro) và Nhật ( Fujitsu).
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, chính phủ (CP) Ấn bắt đầu theo đuổi chương trình Cách mạng xanh nhằm tăng năng suất để có thể tự túc về lương thực. Thuốc trừ sâu, do đó, được coi là một món hàng không thể thiếu. Ngặt nỗi, lúc bấy giờ, nước Ấn chưa nắm được công nghệ sản xuất nên phải nhập cảng với giá rất cao, gây không ít khó khăn cho túi tiền của nông dân cũng như tính khả thi của chương trình phát triển nông nghiệp. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi CP Ấn trải thảm đỏ, kêu gọi Union Carbide India Limited (UCIL) đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal để giải quyết vấn đề nầy.
UCIL, được thành lập từ năm 1934, có lúc, có tới 14 nhà máy hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với 9000 nhân viên, ở một số thành phố trên nước Ấn; là một công ty liên doanh, có vốn đầu tư từ nước ngoài, giữa một số cổ đông thiểu số người Ấn và phần đa số còn lại thuộc về Union Carbide Corporation (UCC).
Trong khi đó, UCC, một công ty đa quốc gia, đa ngành, của Mỹ, từng đứng hàng thứ 7 trên thế giới trong ngành hóa chất, có trụ sở chính ở Houston, Texas. Khởi nghiệp từ những năm đầu của thế kỷ 20, nghiên cứu và sản xuất hóa chất; đến năm 1919, lần đầu tiên trên thế giới, UCC đã thành công trong việc đưa ra thị trường một hóa chất, có tên Ethylene, mà cho tới ngày nay, vẫn còn được coi như là một trong những món hàng cột trụ của ngành hóa dầu trên thế giới.
Từ hóa chất, UCC từng bước nới rộng kinh doanh sang một số ngành nghề khác như khai thác hầm mỏ, điện tử, hàng tiêu dùng, chế tạo kim loại,... với doanh số, trong những năm 1980, có lúc lên đến 10 tỷ đôla Mỹ; và thu dụng hơn 100 ngàn nhân viên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt khác, từ lâu UCC cũng có dính dáng tới ngành quốc phòng cộm cán của Mỹ, đã từng tham gia mật thiết vào việc chế tạo vũ khí hóa học trong Đệ nhất thế chiến và vũ khí hạt nhân (chương trình Manhattan) trong Thế chiến thứ hai.
Với sự ưu ái của chính phủ Ấn độ, vào năm 1969, UCIL đã xây dựng, tại thành phố Bhopal, trong một khu đất rộng đến 30 mẫu Anh mà chung quanh là những khu nhà ở ổ chuột đông người, nhà máy chế thuốc trừ sâu Carbaryl, có thương hiệu Sevin, làm từ hóa chất Methyl IsoCyanate (MIC). Ban đầu, MIC, một nguyên liệu đầu vào cực độc và rất khó bảo quản, được nhập cảng trực tiếp từ Mỹ; tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 70, UCIL bắt đầu tự chế lấy hóa chất nầy tại nhà máy Bhopal của mình nhằm giảm chi phí sản xuất.
Được biết, mặc dù giới khoa học, trước đó rất lâu, đã tìm ra được một phương pháp mới, an toàn hơn, có thể sản xuất thuốc trừ sâu Sevin, không phải dùng nguyên liệu MIC; mà nhiều công ty hóa chất khác đã áp dụng một cách thành công; nhưng UCIL đã quyết định không dựa vào công nghệ nầy vì nó tốn kém hơn nên không thỏa mãn được các tiêu chí về lợi nhuận của nhà máy.


Bầy quỷ dữ sổng chuồng
Khoảng 9:30 tối ngày 02/12/1984, các van an toàn, bên trong một đường ống đang được súc rửa, cùng một lúc bị hỏng, đã làm cho gần 500 lít nước tuồng vào một bồn chứa hơn 40 tấn MIC, mà không một ai hay biết. Khi nước hòa vào MIC sẽ tạo ra một phản ứng làm tăng nhiệt, chất MIC ở thể lỏng bắt đầu bốc hơi ở 39,1 độ C, và do đó, áp xuất trong bồn chứa sẽ tăng theo. Tuy nhiên, vì thiếu nhân lực, không có người đi tuần kiểm đủ độ thường xuyên, để theo dỏi kịp thời, các chỉ số an toàn khác nhau ở nhiều bộ phận trong nhà máy; ban quản lý đã không biết được rằng đang có sự thay đổi bất thường về nhiệt độ và áp xuất tại bồn chứa MIC mang số E610 nầy.
Theo nguyên tắc an toàn, trong trường hợp áp suất bồn chứa tăng cao quá mức cho phép, để tránh nổ, van an toàn sẽ tự động mở, dẫn khí MIC qua một bộ lọc dùng Sodium Hydroxide để được trung hòa. Một đường ống sẽ mang lượng MIC, còn sót lại sau khi lọc, lên một tháp cao, khoảng 30 mét, để được đốt bỏ. Sau đó, phần MIC chưa cháy hết sẽ được một hệ thống phun sương, phủ trùm tháp đốt một màng nước, làm giảm nồng độ và tỷ trọng. Cuối cùng, số khí độc còn lại ít ỏi nầy sẽ theo gió mà phân tán ra xa và lên cao, khỏi vùng sống của sinh vật, cho nên nguy hiểm sẽ không còn đáng kể nữa.
Tuy nhiên, trong thực tế, mọi chuyện đã không xảy ra một cách an toàn, theo sách vở, như thế tại nhà máy Bhopal đêm 02 rạng sáng 03/12/1984; gợi nhớ đến Murphy's law, mà phần lớn trong chúng ta đều đã có ít nhiều kinh nghiệm, được hiểu như là "bất cứ điều không tốt nào, nếu nó có khả năng xảy ra, trước sau gì nó cũng sẽ xảy ra, và nó sẽ xảy ra trong một hoàn cảnh ngặt nghèo nhất."
Sau hơn một tiếng đồng hồ âm ỉ, trong vòng xoáy hỗ tương, phản ứng giửa nước và MIC càng lúc càng nhanh hơn do nhiệt sinh ra càng lúc càng cao hơn. Cuối cùng, nhiệt trong bồn chứa E610 đột biến vọt lên tới 200 độ C, áp suất tăng hơn 10 lần cho phép, và van an toàn của nó mở toang lúc 11 giờ tối cùng ngày. Vì bồn chứa quá đầy cộng với nhiệt độ quá cao, MIC ở dạng lỏng bị sôi mạnh, trào lên, làm ngập, và do đó vô hiệu hóa bộ lọc. Trong khi đó, tháp đốt, đang trong tình trạng bảo trì, chờ thay một đoạn ống dẫn bị rỉ sét, không sử dụng được. Cùng lúc, hệ thống phun sương của nhà máy lại không có đủ áp suất để có thể tạo ra một màng nước phủ trùm được tháp đốt nơi mà MIC đang ồ ạt thoát ra ngoài. Và như thế, chất độc nầy đã không được lọc, đã không được đốt, và đã không được làm loãng bằng màng nước như dự kiến.
Được biết, MIC, lúc ở dạng khí, nhẹ hơn nước nhưng lại nặng gấp hai lần không khí; khi thoát ra ngoài, nếu còn ở nồng độ cao, có khuynh hướng rơi xuống thấp, tập trung lơ lửng như sương mù, lẩn quẩn trong vùng sống của sinh vật, vài ba thước trên mặt đất; và do đó, gây tác hại rất lớn cho con người trong một thời gian rất dài.
Với hàng loạt hệ thống an toàn không hoạt động được, bị bất ngờ trước một hình huống chưa từng thấy, ban quản lý "ca đêm", thiếu khả năng và ít kinh nghiệm, không nhận thức được đầy đủ thực tế của tình hình, và do đó đã không có những quyết định thích hợp và kịp thời. Thay vì cho hụ còi báo động ngay lập tức và tìm cách tốt nhất để hướng dẫn dân cư (a) di tản nhanh chóng ra khỏi vùng ảnh hưởng của chất độc, tức vùng dưới chiều gió, nhằm giảm số thương vong (b) dùng khăn nhún nước che mũi và mắt để làm giảm nồng độ của MIC, và do đó có thể tránh, hoặc giảm, bị tổn thương; họ lại im lặng, loay hoay, suốt 3 tiếng đồng hồ, tìm cách ngăn chặn sự phát tán trong vô vọng.
Mãi đến 2 giờ khuya 03/12/1984, mới có còi báo động. Quá muộn! Gần 40 tấn MIC đã thoát hết ra môi trường, lan tỏa ra xa đến 8 cây số theo chiều dưới gió và bao trùm cả một khu vực rộng lớn, hơn 40 cây số vuông, trong thành phố.
Vậy là bầy quỷ dữ đã sổng chuồng, vuột khỏi tầm kìm tỏa của tên phù thủy nghiệp dư thiếu tay ấn, bắt đầu lùng sụt khắp hang cùng ngõ hẻm, trong bóng đen, gieo rắc kinh hoàng, thương tật và chết chóc cho hơn một trăm ngàn người dân Ấn ở Bhopal.
Và cũng kể từ giây phút đó, Bhopal không còn chỉ là một cái tên của một thành phố yên bình cố hữu với Taj Mahal nguy nga và tráng lệ nữa mà là một thảm họa kỹ nghệ và môi trường, đầy bức xúc và đau thương, lớn nhất trong lịch sử của loài người.

Người chết như rạ
Nhiều nạn nhân đã bước sang bên kia thế giới, mang theo nỗi kinh hoàng trong những giờ phút lâm chung của cuộc sống mà, với họ, bao giờ cũng rẫy đầy đói nghèo, mong manh và trắc trở. Trải nghiệm hãi hùng của họ đã bị chôn chặt, trở thành những bí mật vĩnh hằng, không ai có thể khám phá được. Trong khi đó, những người may mắn còn sống sót, chưa kịp hoàn hồn, chỉ có thể hé lộ, để lưu lại đời sau, một góc rất nhỏ của bức màng đêm tăm tối, một địa ngục trần gian, đã bao trùm thành phố Bhopal, khuya 03/12/1984.
"Khoảng nửa đêm, tôi tỉnh giấc vì nghe đứa con nằm kế bên bỗng nhiên khóc ré lên. Nó ho khan, thở hổn hển như bị thiếu hơi. Đèn đóm lờ mờ, tôi vẫn thấy những màng khói màu trắng xám bay tùm lum khắp cả nhà. Rồi tất cả mọi người trong xóm la toáng lên: "chạy, chạy". Thấy rát cổ, tôi cũng ho sặc sụa lên, mỗi hơi thở nó nóng như là hít phải lửa. Cay xé mắt như có ai xát ớt...tôi hoảng hồn bồng con chạy ra đường, theo dòng người đang náo loạn,..."
"Tôi có cảm giác như là bị tẩm ớt cay, nước mắt nước mũi chảy ràn rụa, sùi cả bọt mép. Nhiều người vừa chạy vừa ho hùng hục, mặt mày nhăn nhó trông như đau đớn lắm. Họ chạy nhưng không biết chạy đi đâu, chắc là họ không thấy đường, người nầy chạy đầu nầy người kia chạy đầu khác, không ra làm sao, cứ lẩn quẩn vì ở đâu cũng toàn là khói cay. Cay không chịu nổi, mọi người ùn ùn chạy, chen lấn, giẫm đạp lên nhau. Có người chỉ mặt đồ lót, có người chẳng có quần áo gì, trần truồng, cứ đâm đầu mà chạy. Điều sợ hãi nhất là không ai biết điều gì đang xảy ra, không có ai thông báo hoặc hướng dẫn gì cả..."
"Người ta la hét, ói mửa, động kinh, co giật,...rồi ngả lăn ra chết như rạ chung quanh tôi. Con lạc cha, vợ lạc chồng, không ai biết ai ở đâu, không ai chờ ai, không ai tìm kiếm ai cả. Mọi người cứ đâm đầu mà chạy..., súc vật cũng thế,..."
"Khói độc làm bỏng mắt, người ta như mù; làm tổn thương phổi và não bộ, họ không còn kiểm soát được cơ thể của chính họ nữa. Nhiều người chạy mà nước tiểu và phân rơi vãi xuống chân; phụ nữ bị sẩy thai ngay trong khi đang chạy, máu me đầm đìa, thật là kinh khủng..."


Còn sống là vô phúc!
Những ngày sau đó, Bhopal đã trở thành một bãi tha ma khổng lồ; ở đâu cũng có xác người và cả xác thú vật; sình chương, la liệt. Trong nhà, nhiều người chết trên giường, ngay trong giấc ngủ, mà không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra. Người ta phải gấp rút chôn 5 - 3 xác người, không quan tài, vào chung một hố; phải hỏa thiêu hết đống nầy đến đống khác, hàng chục, hàng trăm xác người một, ngay trên đường phố để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
"Khi trời hừng sáng, đã có hơn 3 ngàn người chết ngay trong đêm qua, nằm ngổn ngang, trong mọi tư thế trên đường phố; quân đội phải gom lại, mang đi chất thành đống trong các khu rừng gần đó. Trên con sông Betwa thì có quá nhiều thây người, nghẹt cả chân cầu. Xác người, xác thú vật, trâu bò, chó mèo, đàn bà, đàn ông, trẻ con, ... ở đâu cũng có. Người ta nhặt xác đem bỏ lên xe, nhiều người khác xúm lại tìm kiếm, níu kéo, kêu la thảm thiết..."
"Nhiều gia đình chết cả nhà nên không còn ai để nhận diện họ. Quá kinh hoàng. Những người chết đêm qua là may, chính những người còn sống mới là vô phúc vì phải chứng kiến tận mắt một cảnh tượng quá hãi hùng như thế nầy..."

Chiến dịch nhiễu tin
Nhiều chục ngàn nạn nhân, trong hoảng loạn, đổ xô tới các bênh viện đang bị quá tải; họ phải nằm co quắp, rên la, trong đau đớn và tuyệt vọng, không giường chiếu, dưới đất, bên hành lang, trong sân, tràn ra cả ngoài hàng rào, để chờ được cứu chữa.
Mắt của họ bị rát, phỏng, mờ, mù. Phổi của họ bị tổn thương, đau nhức, tràn dịch. Họ ho sặc sụa ra máu. Họ động kinh, co giật, ói mửa, tiểu tiện không kìm giữ được. Nhiều người bất tỉnh, như những cái xác không hồn, đang thoi thóp. Từng giây từng phút, MIC làm một việc mà nó làm tốt nhất, tàn phá tế bào của con người một cách rất có hiệu quả. Và hàng loạt nạn nhân, không chịu đựng được nữa, lần lượt ... ra đi trong đau đớn, không kịp một liều thuốc.
Trong khi đó, các bác sĩ người Ấn thì không có đủ thông tin về chất gì và cách nào, đã và đang phá hủy thân thể và gây ra chết chóc cho các bệnh nhân của họ, nên không có phương cách điều trị hữu hiệu nào.
Về phía UCC, thay vì thành khẩn hợp tác để cứu chữa, giúp làm giảm thương vong; họ lại bắt đầu một chiến dịch nhiễu tin nhằm thoái thác trách nhiệm, và bảo vệ hình ảnh cũng như uy tín của mình. Công ty nầy chỉ lập lờ thông báo cho các cơ quan y tế Ấn rằng "có thể dùng thuốc ho và thuốc nhỏ mắt thông thường để điều trị cho các nạn nhân." và nhiều lần khẳng định "không có chất độc nào liên quan, chỉ là một chất hơi cay, chẳng có gì là nguy hiểm cả, có thể dùng nước lã để rửa sẽ khỏi."
Ít lâu sau khi thảm họa xảy ra, một nhóm 4 người, được gọi là "chuyên gia hàng đầu" của Mỹ, đến Bhopal để xem xét tình hình. Mặc dù biết rất rõ và đã thấy tận mắt bệnh tình của các nạn nhân, nhóm chuyên gia tay trong của UCC nầy vẫn đánh trống lảng: " không có gì là nguy hại cả, các nạn nhân rồi sẽ tự khỏi trong một thời gian ngắn". Tuy nhiên, lần đầu tiên, họ nêu chính danh tên của chất hóa học đã phát tán ra từ nhà máy, khi tuyên bố rằng: " chất MIC không phải là loại khí độc, chỉ gây rát cổ, chảy nước mắt soàng như hơi cay mà thôi."
Sau khi MIC được đề cập tới; một chuyên gia về chất độc người Đức, TS Max Daunderer, ở Munich, ngay lập tức đề nghị dùng chất Sodium thiosulphate tiêm vào máu để giải độc cho bệnh nhân. Và chính một BS người Ấn, Bipin Awasia, lúc bấy giờ đang làm việc cho UCC, cũng đã nhanh chóng có ý kiến, như Max Daunderer, sử dụng Sodium thiosulphate trong phát đồ điều trị. Tuy nhiên, ngay sau đó, dưới áp lực của UCC, và trước đông đảo báo chí, BS người Ấn nầy phải rút lại lời đề nghị của chính mình, viện dẫn đó là một sự nhầm lẫn; chỉ vì, công ty không muốn, vô hình trung, thừa nhận rằng chất MIC lại có thể ngấm vào máu của các nạn nhân, và do đó gây tổn thương trầm trọng cho họ.
Lo ngại bị qui trách nhiệm, UCC cứ khăng khăng là không có bất cứ chất hóa học nào, đã phát tán ra từ nhà máy của họ, là độc hại, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của nạn nhân. Và công ty nầy cũng thẳng thừng từ chối, ngay từ đầu và cho đến tận ngày nay, thông báo cho các chuyên gia Ấn tài liệu mà UCC sở hữu được từ các nghiên cứu ở ĐH Carnegie Mellon, Mỹ, vào những năm 1963 và 1970, liên hệ đến (1) thành phần hóa học chính xác của MIC (2) tác hại của MIC đối với con người (3) phát đồ điều trị sau khi bị nhiễm MIC; viện lý do bí mật thương mại! Đã có lúc không khí "bí mật" bao trùm đến mức làm cho một số người không ngần ngại đưa ra một nghi vấn cho rằng thảm họa Bhopal, thực chất, là một cuộc thử nghiệm vũ khí hóa học; đã được toan tính và dàn xếp từ trước; nhằm lượng định sự tác hại thực nghiệm tại hiện trường của MIC và một số hóa chất không được tiết lộ khác, trong đó, có thể có Phosgene và Hydrogen cyanide; đối với một thành phố đông người.
Theo BS Satpathy, làm việc ở bệnh viện Hamida, Bhopal, thì "Đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa biết phải điều trị như thế nào cho bệnh nhân hít phải khí MIC;" mặc dù, qua nhiều cuộc giảo nghiệm cho thấy rằng hầu hết các tử thi đều có chung các đặc điểm (a) máu ngả màu bầm tím, đặc sệt (b) phổi có màu xám tro, đầy dịch và (c) cuống phổi thì khô như bị sấy bằng hơi nóng.
Việc UCC không những bưng bít mà còn cố tình gây nhiễu thông tin đã làm cho ngành y tế Ấn thật sự lúng túng, không phát huy được năng lực để cứu chữa kịp thời và hiệu quả cho làn sóng bệnh nhân tràn ngập các nơi thu dung; làm thương tật của họ trở nên trầm trọng hơn; và hàng loạt người đã phải mất mạng một cách oan uổng.

Nguyên nhân gần
Trong một thời gian khá dài sau 1984, hàng loạt vấn đề liên quan đến nhà máy thuốc trừ sâu nầy ở Bhopal được các nhà nghiên cứu về môi trường và an toàn lao động, ở nhiều nơi trên thế giới, đặt lên kính hiển vi, thu thập dữ liệu, điều tra, mổ xẻ và phân tích rất tỉ mỉ; trong đó, một phần không nhỏ, đề cập đến một số nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến thảm họa.
1- Xây dựng nhà máy sản xuất hóa chất độc hại ngay trong khu dân cư đông đúc là một rủi ro không thể chấp nhận được.
2- Thanh tra không phát hiện được những sai phạm của nhà máy; khi phát hiện được, đã không có các biện pháp chế tài kịp thời và thích đáng; có thể là do được bao che. Được biết, Ô. Arjun Singh, Tổng trấn bang Madhya Pradesh lúc bấy giờ, lại có văn phòng làm việc riêng của mình tại trụ sở chính của UCIL ở Bhopal.
3- UCIL không thông báo cho chính quyền địa phương biết chính xác về các loại hóa chất độc hại được chế tạo và tồn trữ trong nhà máy; ảnh hưởng của chúng ra sao đối với sức khỏe của con người; và các phương pháp cứu chữa hữu hiệu trong trường hợp bị phơi nhiễm.
4- Không có sự phối hợp giữa nhà máy, dân cư chung quanh và chính quyền địa phương để đề ra các kế hoạch nhằm báo động, di dời, cứu chữa và cứu trợ nạn nhân kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
5- Nhân lực của nhà máy thiếu cả về số lượng lẫn trình độ; họ không được huấn luyện đầy đủ khi nhận việc, nhất là ở cấp quản lý. Tất cả các cẩm nang kỹ thuật điều hành đều được in bằng tiếng Anh trong khi hầu hết nhân viên trong nhà máy là người Ấn.
6- UCIL vi phạm nhiều nguyên tắc cơ bản về an toàn trong lúc vận hành nhà máy:
a/ Bộ lọc dùng Sodium hydroxide quá nhỏ, không tương xứng với lượng MIC quá lớn trong bồn.
b/ Hệ thống phun sương không đủ mạnh để có thể tạo ra một màng nước phủ trùm được tháp đốt.
c/ Nhiệt kế và áp kế của bồn E610, từng được biết là không chính xác, đã không được thay mới.
d/ Thay vì 4,5 độ C theo qui chuẩn, nhiệt của bồn nầy thuờng xuyên được để ở 20 độ C nhằm tiết kiệm điện.
e/ Tuy giới hạn an toàn không quá 50%, nhưng vào lúc thảm họa xảy ra, bồn E610 đã chứa tới 80% dung tích của nó. Sử dụng một bồn chứa lớn đến 40 tấn, trong khi theo tiêu chuẩn của Âu châu, không được có quá 1/2 tấn MIC trong mỗi bồn nhằm giảm mực độ nghiêm trọng tới mức tối thiểu trong trường hợp tai nạn xảy ra.
f/ Không thiết kế và xây dựng, như tiêu chuẩn an toàn qui định (1) bồn liên thông để-trống; khi bồn chính bị "sôi", MIC dạng lỏng có nơi thoát qua an toàn, không tràn ra ngoài (2) tháp đốt thứ hai; khi một tháp không sử dụng được, tháp khác thay thế ngay.

Nguyên nhân xa
Ngoài ra, một số nguyên nhân, sâu xa và có tính hệ thống, có thể được coi là tiền đề cho một thảm họa không thể tránh khỏi; cũng đã được đem ra ánh sáng.
1- Chính quyền trải thảm đỏ cho nhà đầu tư một cách mù quáng. Do thiếu thông tin và không nắm vững về kỹ thuật, các viên chức Ấn, đã mắc mưu, khi nghe theo lời hứa suông của nhà đầu tư về công nghệ "tiến tiến" và độ "an toàn tuyệt đối" của nhà máy. CP Ấn chỉ nhắm vào tăng trưởng kinh tế và số lượng đầu tư, chỉ chú ý đến giải quyết một số vấn đề được cho là cấp bách trước mặt, mà quên hẳn hệ quả của tình trạng mất an toàn lao động và an ninh môi trường trong tương lai.
2- Ngay từ đầu, khi thiết kế nhà máy, UCC đã chọn một công nghệ lỗi thời nhằm tiết kiệm vốn đầu tư và giảm giá thành của sản phẩm. Khi xây dựng, đã không lắp đặt đầy đủ các bộ phận cần thiết để bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn qui định. Ở Mỹ, một nhà máy được xây dựng như thế sẽ không có phép hoạt động.
3- Dân cư xung quanh nhà máy, phần lớn mù chữ và nghèo khó, không ý thức được quyền hạn dân sự của mình được sống trong một môi truờng lành mạnh. Họ không thấy được rằng sinh mạng của họ đang bị đe dọa nên không chủ động có những hành động cần thiết để buộc nhà máy phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.
4- Xã hội, nói chung, ngay cả các nhà chính trị cũng vậy, chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của an ninh môi trường và an toàn lao động.

"Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ"
Từ năm 1975, Giám đốc quy hoạch thành phố Bhopal đã thấy được mối nguy của một cơ sở sản xuất hóa chất độc hại ngay bên cạnh những khu cư dân đông đúc, nên đã ký lệnh buộc UCIL phải di dời nhà máy. Không những không chấp hành mà công ty nầy còn làm áp lực với chính quyền địa phương thuyên chuyển ông nầy đi nơi khác.
Trong khi đó, công đoàn, đại diện cho nhân viên làm việc trong nhà máy, đã nhiều lần phân phát tài liệu cho cư dân trong vùng bị ảnh hưởng, cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy ra. Có nhân viên phải chịu bị đuổi việc khi tuyệt thực nhằm phản đối phương cách vận hành nhà máy không an toàn của ban quản lý. Năm 1982, đã có 5 nhân viên phải nhập viện sau khi tiếp xúc với khí độc nhưng không có cuộc điều tra nào để làm rõ vụ việc.
Nổi bậc nhất có lẽ là một loạt bài viết nẩy lửa, vào năm 1982, của nhà báo Raj Keswani dưới hàng tít "Hãy cứu thành phố của chúng ta"; qua đó, ông ta đã cảnh báo như một nhà tiên tri rằng: "Bhopal đang đứng trên miệng núi lửa", "Bhopal bên bờ vực của một thảm họa", và "Nếu chúng ta không ý thức được vấn đề nầy thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt."
Ngay cả nghị viện của bang Madhya Pradesh, năm 1983, cũng đã đưa ra một nghị quyết yêu cầu di dời nhà máy nầy đến nơi ít dân cư hơn; nhưng UCIL, như thường lệ, vẫn một mực từ chối; viện lý do quá tốn kém, không chịu nổi chi phí.
Sau khi có nhiều phản ứng gay gắt từ báo chí và các nhà lập pháp Ấn; UCC, từ Mỹ, đã cử một nhóm chuyên viên sang Bhopal để kiểm tra tình hình thực tế. Họ đã đưa ra một bản báo cáo chỉ rõ 61 điểm vi phạm về an toàn, trong đó có 30 điểm bị coi là nghiêm trọng và 11 vấn đề đặc biệt nguy hiểm. Nhóm nói trên cũng không ngần ngại kết luận rằng nhà máy nầy "đang hoạt động trong những điều kiện không an toàn và một tai nạn, qui mô lớn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào."
Tuy vậy, bộ sậu của UCC lại âm thầm xếp tài liệu nầy vào loại "mật", không được công bố; và chẳng những không có biện pháp gì để chấn chỉnh mà còn cắt giảm hơn 300 nhân viên để tiết kiệm 1,25 triệu đôla, với lý do đang gặp lổ lả; làm tình trạng an toàn của nhà máy trở nên tồi tệ hơn.
Như thế, rõ ràng là thảm họa Bhopal, không phải là một tai nạn bất khả kháng, bỗng nhiên mà xảy ra. Nó đã được báo trước, không nhầm lẫn, qua một thời gian rất dài, từ nhiều phía ở nhiều mực độ với nhiều hình thức khác nhau; nhưng không một ai có thẩm quyền chịu quan tâm để giải quyết một cách thỏa đáng.
Trớ trêu hơn nữa, chính nhà máy nầy đã được trao giấy chứng nhận an toàn về môi trường chỉ vài ngày trước khi thảm họa xảy ra!

Châu chấu thua xe
Warren Anderson, Chủ tịch (CT) của UCC, sau khi hay tin, đã tức tốc bay sang Bhopal để chữa cháy. Ông ta liền bị quản chế tại nhà khách của công ty, trong khi cơ quan tư pháp Ấn tiến hành thủ tục truy tố về tội ngộ sát và một số tội danh liên quan khác. Song, với áp lực ngấm ngầm mà mạnh mẽ của CP Mỹ; sau khi đóng tiền thế chân vỏn vẹn chỉ có 500 đôla; Anderson được tại ngoại, rồi quay về Mỹ ngay lập tức. Đây cũng là lần cuối cùng ông ta đặt chân lên đất nước Ấn.
Phải 3 năm sau, chiếu theo đạo luật "Sự kiện rò rỉ ga ở Bhopal" (1985), CP Ấn, là đại diện duy nhất cho tất cả các nạn nhân, mới làm xong các thủ tục, vào năm 1987, yêu cầu UCC bồi thường thiệt hại trước một tòa án liên bang của Mỹ, ở New York; tuy nhiên, tòa nầy không chịu thụ lý hồ sơ, viện dẫn lý do sự vụ nầy xảy ra tại Ấn nên tòa án Ấn mới là nơi tốt nhất để phân xử.
Về phần mình, Tòa tối cao Ấn dù nhận đơn khởi kiện nhưng đã không đưa ra một phán xét nào; chỉ khuyến cáo, vào năm 1988, rằng hai bên nên đàm phán để đi đến một thỏa thuận chung.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, thảm họa Bhopal đã gây thiệt hại không dưới 4 tỷ đôla Mỹ cho các nạn nhân, nhưng sau một năm thương thảo đầy kịch tính, năm 1989, CP Ấn đành chấp nhận (1) UCC trả 470 triệu tiền bồi thường (2) miễn trách nhiệm cả dân sự lẫn hình sự cho UCC và mọi nhân viên liên hệ (3) CP Ấn chịu trách nhiệm giải quyết mọi kiện cáo sau nầy phát sinh từ vụ việc.
Như thế, UCC đã được CP Ấn cho phủi tay sau khi đồng ý chi 470 triệu đôla. Với số tiền nầy, thừa kế của mỗi nạn nhân tử vong có thể được trả khoảng 2000 đôla, còn những người bị thương tật khác sẽ nhận được một số tiền ít hơn rất nhiều. Đó là chưa trừ các "lệ phí" mà các nạn nhân phải trả, vì tình trạng nhũng nhiễu của các cơ quan hành chính liên hệ, để nhận được tiền bồi thường.
Một so sánh đã làm nhiều người hết sức ngạc nhiên. Trong sự cố tràn dầu từ con tàu Exxon Valdez, ngày 23/03/1989, ở bờ biển tiểu bang Alaska, Mỹ; mỗi con rái cá biển bị dính dầu được cứu hộ và chăm sóc tốn 40 ngàn đôla. Hằng ngày, mỗi con rái cá "bị nạn" nầy, trong thời gian "điều trị" tại các trạm cấp cứu, tiêu thụ một lượng tôm hùm mất không dưới 500 đôla, được chở tới bằng máy bay.
Tức giận trước việc (a) không có một ai có trách nhiệm bị đem ra tòa án để xét xử (b) sinh mạng của người dân Ấn bị coi rẻ hơn con rái cá biển của Mỹ; nhiều tổ chức cộng đồng Ấn, coi đây như là một sự sỉ nhục trắng trợn đối với các nạn nhân Bhopal, đã kiến nghị Tòa tối cao vô hiệu hóa thỏa thuận giữa CP Ấn và UCC. Năm 1991, tòa nầy phán quyết chấp nhận phần bồi thường tài chính và miễn tố dân sự, nhưng cùng lúc cho rằng UCC và CT Anderson có thể bị quy kết trách nhiệm hình sự.
Cơ quan công tố một lần nữa làm thủ tục truy tố, cả hai, với tội danh ngộ sát. Theo luật Ấn; UCC, như là một công ty, có thể bị phạt tiền không có mức giới hạn; còn CT Anderson có thể phải chịu hình phạt tối đa 10 năm tù giam; tuy nhiên, không ai chịu ra hầu tòa.
Đến năm 1992, tòa án Ấn phải phát lệnh truy nã toàn cầu CT Anderson, nhưng với sự làm ngơ của các cơ quan công quyền Mỹ, ngành tư pháp của Ấn phải bó tay; mặc dù, ông nầy vẫn ngang nhiên sống vương giả, gần như công khai, ở Bridgehampton, một trong những khu vực được coi là có máu mặt nhất ở New York, Mỹ; như tổ chức Green Peace đã lần ra manh mối vào năm 2002.
Mãi cho tới 2004, tức 20 năm sau ngày xảy ra thảm họa, dưới áp lực mạnh mẽ của nhiều nhân sĩ và đoàn thể tiến bộ, CP Ấn mới chính thức yêu cầu CP Mỹ dẫn độ CT Anderson theo một hiệp ước song phương đã có từ nhiều năm trước; và CP Mỹ, vẫn như cũ, âm thầm làm ngơ, không trả lời. Lo ngại rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi hoặc không đầu tư thêm vào nền kinh tế nước Ấn nữa, nên CP nầy không có những bước đi kế tiếp nào cứng rắn hơn.
Cuối cùng, nhằm cắt đứt liên hệ tới thảm họa Bhopal một cách dứt khoát, UCC đã thương lượng để trở thành công ty con của Dow Chemical Limited (DCL), một tập đoàn hóa chất tầm cỡ khác của Mỹ, vào năm 2001. Và kể từ đó, DCL từ chối mọi trách nhiệm đối với các nạn nhân, cho rằng nó thuộc về hoạt động của UCC trước kia, không có dính dáng gì với DCL hiện nay cả.
Giữa cỗ xe của tiền bạc và quyền lực, với con châu chấu của những người thấp cổ và bé miệng, quả là một cuộc sống chung không một chút sòng phẳng.

Thái độ kẻ cả
Đặc biệt, dư luận và báo chí Ấn đã có lúc hết sức phẫn nộ truớc thái độ ngang ngược và cung cách áp lực trắng trợn của UCC nhằm (a) tránh bị xét xử bởi tòa án Ấn (b) thoái thác trách nhiệm và (c) gây khó khăn trong tiến trình đàm phán với CP Ấn về vấn đề bồi thường.
1/ Lợi dụng việc hầu hết các nạn nhân là những người ít học, UCC dọa, nếu bị đưa ra tòa, sẽ không chấp nhận bất cứ ai không biết chữ mà có tên trong danh sách đòi bồi thường vì họ không hiểu được ý nghĩa của các văn bản liên quan được nộp lên tòa án.
2/ Biết được số lượng hồ sơ bên nguyên có thể lên đến hàng trăm ngàn, UCC lại tìm cách bắt chẹt rằng, nếu bị đưa ra tòa, sẽ gọi tất cả các nạn nhân, lần lượt từng người một, ra trước tòa án, để xét hỏi và kiểm tra về mức độ thiệt hại. Một tiến trình, có người tính, phải mất tới 1.500 năm mới có thể hoàn tất.
3/ Tung ra nhiễu tin cho rằng thảm họa xảy ra là do bị phá hoại bởi một nhân viên làm việc trong nhà máy, và vì vậy UCC không có lỗi. Tuy nhiên, công ty nầy đã không có thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào, kể cả tên họ của "kẻ phá hoại" , để củng cố nghi vấn của mình.
4/ Nổi cộm nhất là UCC cáo buộc rằng chính CP Ấn đã gây ra thảm họa nầy vì, từ lâu, đã biết được nhà máy có vấn đề về an toàn mà vẫn cho phép nó tiếp tục hoạt động.

Nồi súp hóa chất
Thực tế cho thấy rằng nhà máy thuốc trừ sâu của UCIL ở Bhopal, ngay từ đầu, đã, và còn đang tiếp tục, tàn phá môi trường xung quanh một cách triệt để. Nhiều chuyên gia về môi trường không ngần ngại đặt biệt danh cho khu vực nầy là một nồi súp hóa chất, nơi nguy hiểm nhất trong số các nơi mà họ từng có dịp kinh qua trong các hoạt động nghiên cứu.
Một điều tra cho thấy nhà máy nầy, từ năm 1969 đến 1984, đã thải ra môi trường 22 loại hóa chất độc hại khác nhau với trọng lượng không dưới 2.000 tấn; trong đó, 500 tấn Ortho-idichlorobenzene, 500 tấn Carbon Tetrachloride, 500 Chloroform, 100 tấn Methylene Chloride,...làm cho đất đai, không khí và nước ở ao hồ sông rạch xung quanh bị ô nhiễm một cách trầm trọng. Khốn nỗi, hầu hết các báo cáo của cơ quan thanh tra Ấn lúc bấy giờ, đều "chứng nhận" không có bất cứ vi phạm nào đến môi trường!
Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ rõ (a) Trichloroethene, một chất có ảnh hưởng đến sự phát triển không bình thường của thai nhi, có độ cao, trong đất, gấp 50 lần mức an toàn cho phép (b) nước ngầm ở khu vực nầy chứa chất thủy ngân cao từ 20 ngàn tới 6 triệu lần mức bình thường (c) có các chất chì, thủy ngân, trichlorobenzene, dichloromethane, chloroform, quá mức an toàn nhiều lần, trong sữa của các bà mẹ đang có con cho bú.
Đài phát thanh BBC Radio 5, nhân kỷ niệm 20 năm, 1984 - 2004, qua một cuộc điều tra đã cho biết có đến 9 ngàn tấn các loại chất hóa học khác nhau vẫn còn vương vãi, không được bảo quản và kiểm soát, trong khuông viên nhà máy. Số lượng hóa chất độc hại trong nước ngầm ở khu vực nầy, so với mực độ ở Anh, cao hơn 500 lần! Đáng kể nhất là các chất Benzene Hexachloride, thủy ngân,...thì ở trong những thùng chứa không có nắp đậy hoặc đổ tràn trên mặt đất. Ở nhiều nơi, cường độ hóa chất, cao đến nổi, có thể làm cho một người bị bất tỉnh chỉ trong vòng 10 phút.
Mặc dù vậy, hiện nay, khoảng 20 ngàn con người vẫn còn cư trú xung quanh nhà máy bỏ-hoang nầy. Ngày và đêm, phải sống chung với hàng loạt hóa chất độc hại như thế; hệ thần kinh, gan, thận,... của họ bị đầu độc một cách nghiêm trọng. Số người bị ung thư ngày càng tăng. Nhiều phụ nữ mới 30 - 35 tuổi là đã bị tắc kinh; có chứng khó thở; sinh con bị dị tật về cơ thể, tâm thần và khả năng trí tuệ. Hơn nữa, có sự thay đổi rất lớn về gien di truyền mà ảnh hưởng của nó đến các thế hệ tương lai không thể lường trước được.
Trong khi đó, các cơ quan công quyền Ấn lại có ý kiến trái ngược nhau về cách giải quyết vấn đề. Bộ Hóa chất Và Phân bón cho rằng Dow Chemical Limited phải có trách nhiệm và phải chi khoảng 25 triệu đôla Mỹ để làm sạch môi trường trong vùng nầy. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, vấn đề trách nhiệm thuộc về ai còn phải được "nghiên cứu và làm rõ" từ hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa UCC và DCL vào năm 2001.
Và như thế, nồi súp hóa chất thuốc trừ sâu Bhopal vẫn còn tồn tại chưa biết đến bao giờ. Nó thản nhiên tiếp tục làm một công việc mà từ trước tới nay nó vẫn làm, và làm một cách rất có hiệu quả như mọi người đều biết, ... giết dần mòn những con người ... đói, nghèo, ... nhỏ nhoi và yếu đuối.

Chiếc vòng thòng lọng
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, nhiều người Ấn tiến bộ, có tấm lòng, với phương tiện eo hẹp của họ, đã lập ra các cơ sở từ thiện để giúp đở về tinh thần cũng như vật chất cho các nạn nhân Bhopal dưới nhiều hình thức và phương cách khác nhau.
Đáng chú ý nhất là Ô. Sunil Kumar, vào lúc 13 tuổi, người duy nhất còn sống sót trong một gia đình, có hai anh trai, ba chị em gái và cả cha lẫn mẹ đều bị thiệt mạng vào khuya 03/12/1984. Được hỏi khi thấy có quá nhiều người chết, nhất là cả gia đình bị tiêu diệt như thế, ông có sợ hãi không; ông ấy đã cho biết: " không, không thấy sợ là gì cả, ngay cả khóc tôi cũng không thể khóc được kia mà. Sau một lúc, trái tim tôi như lặng đi trước những hình ảnh kinh hoàng đó; trong thâm tâm tôi, có lẽ tôi nghĩ rằng những chuyện nầy là không có thực, làm sao lại có thực như thế đó được?; cho nên tôi, như chết điếng, không có phản ứng gì cả, cứ ngỡ là một giấc mơ, một cơn ác mộng, mà thôi."
Hình ảnh chết chóc siêu thực đó và nỗi uất hận vô biên kia đã thôi thúc ông dành nhiều năm dài sau nầy để kiên trì tranh đấu giành công lý cho các nạn nhân Bhopal như là một lẽ sống duy nhất của đời mình. Theo ông, phải "tìm ra cho được người có trách nhiệm về thảm họa nầy, và người đó đáng bị treo cổ."
Ông đã từng đến nhiều nơi để vận động nhân dân khắp thế giới ủng hộ nạn nhân chất độc MIC. Trớ trêu là, khi phân phát tài liệu về hậu quả của thảm họa Bhopal trước một đại hội cổ đông của Union Carbide Corporation tại thành phố Houston, Texas, Mỹ; ông ta đã bị bắt giam, trong một thời gian ngắn, vào năm 1989.
Sau nhiều năm tranh đấu, Sunil Kumar ngày càng bất mãn trước sự thờ ơ của các cơ quan thẩm quyền Ấn đã không đưa được CT Anderson, người bị coi là có trách nhiệm chính, ra tòa; căm phẫn nhìn thấy sự thẳng tay từ bỏ trách nhiệm của UCC và Dow Chemical Limited; bất lực trước nỗi đau chồng chất về vật chất cũng như tinh thần của nạn nhân Bhopal vẫn còn dai dẳng; biết rằng công lý đã bị trói chân; không tìm được một lối thoát khả dĩ nào nữa; Sunil Kumar bất ngờ bỏ cuộc.
Ngày 26/07/2006, 22 năm sau thảm họa Bhopal, thêm một nạn nhân nữa đã được ghi vào di chỉ. Ở tuổi 35, Sunil Kumar tự treo cổ, để lại cho đời một hàng chữ trên chiếc áo thung, mặc trước khi chết, " No More Bhopals", thay cho lời vĩnh biệt.
Độc chất MIC đã không giết được Sunil Kumar; nhưng, trên đường đi tìm công lý cho nạn nhân Bhopal, ông đành phải chịu thất thủ trước sức công phá dã man của sự vô cảm của con người.
"Đừng để thảm họa Bhopal xảy ra một lần nào nữa!", quả là tiếng kêu đoạn trường của một con người thật, trước giờ phút vĩnh viễn ra đi mà vẫn còn nghĩ đến sự tồn vong của đồng loại ở lại. Đây là một lời cảnh tỉnh đầy bi kịch mà cũng đậm tính nhân văn không riêng cho nước Ấn mà cho cả thế giới, nhất là, cho phần bị gọi là chậm hoặc đang phát triển.

"No more Bhopals"
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước hiểm họa của bầy quỷ dữ hóa chất độc hại là một trong những vấn đề cấp bách, và khó khăn gần như nan giải, mà nhiều nước trên thế giới ngày nay đang phải đối mặt.
Trong chiến tranh trực diện, người ta nghe được tiếng súng, thấy được bom rơi. Cảnh chết chóc và sự tàn phá hiện ra trước mặt. Nguyên nhân và hệ quả, gần kề nhau, nên dễ nhận biết. Chỉ bằng trực giác, con người cũng có thể thấy được phần lớn nguy cơ mà chủ động tìm cách đối phó để bảo vệ sinh mạng của chính mình, và cũng có thể là của người khác nữa.
Trái lại, hóa chất độc hại trong môi trường, trong thực phẩm và trong đồ dùng là một cuộc chiến dấu-mặt. Nguyên nhân từ hôm nay nhưng hệ quả của nó thường không xảy ra tức thời vào ngày mai hoặc tháng tới, mà có thể sẽ là 10 - 20 năm sau. Và một khi hệ quả bi thảm đến thì mọi việc đã là quá muộn. Do không nhận diện được nguyên nhân, và không thấy được hệ quả bằng trực giác; người ta thường hay chủ quan, không chịu đề phòng và thận trọng. Và cũng do đó, người ta không ý thức được rằng có những vấn đề cấp thiết, như là nguyên nhân, cần phải giải quyết, ngay hôm nay, để bảo vệ cá nhân, gia đình và đất nước, tránh được những hệ quả tàn khốc trong tương lai gần cũng như xa.
Chính vì vậy mà một vài nước, từ nhiều năm nay, kể cả Tàu, đã không ngần ngại dùng hình thức chiến tranh dấu-mặt nầy để làm suy yếu, với hy vọng tiêu diệt nếu có thể, đối thủ của mình một cách ngấm ngầm mà hiệu quả. Họ đang tìm mọi cách tung bom hóa học và vi sinh vào dân số của đối thủ, gián tiếp, bằng các nhà máy với công nghệ sản xuất "bẩn" để tàn phá môi trường; và, trực tiếp, bằng các loại thực phẩm, thuốc men, hàng hóa giả hiệu rẻ tiền thiếu chất lượng có tẩm hóa chất và vi sinh độc hại.
Cho nên, trước hết, ý thức và giác ngộ, trong mọi tầng lớp của xã hội, về mối nguy cơ to lớn của loại bom nổ-chậm và vô-hình nầy, là một yếu tố cơ bản nhất trong việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Mọi nơi chủ động ngăn chặn nhà máy "bẩn". Mọi người tự giác tẩy chay; không mua bán và không tiêu thụ; tất cả các loại hàng hóa và thực phẩm, thiếu chất lượng; đặc biệt, hàng nhập lậu có tẩm hóa chất và vi sinh độc hại. Từng cá nhân chủ động có những hành vi thiết thực để tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ cho cộng đồng vậy. Đó là một liều thuốc ngăn ngừa hữu hiệu không thể thiếu.
Sau đó, mới kể đến một vài việc mà các cơ quan công quyền có thể làm để đối phó với vấn đề.
1/ Không thể dựa vào lời hứa suông cũng như cam kết miệng của các "chuyên gia" nước ngoài về tính "tiên tiến" và "an toàn tuyệt đối" của các công nghệ trong các dự án đầu tư. Những gì họ nói chưa hẳn là sự thật; do đó, phải được tìm hiểu, điều tra và kiểm chứng một cách cẩn thận.
2/ Thu hút đầu tư để phát triển nhưng không chỉ nhắm vào số lượng; các yếu tố về an ninh môi trường, an toàn lao động, chủ quyền kinh tế và chính trị phải đồng thời được xét đến. Nếu không; sẽ chỉ "ăn được một", trong một thời gian ngắn của vài chục năm; rồi sau đó, như kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, "phải trả đến mười" nên sự phát triển của đất nước sẽ bị chửng lại hoặc suy yếu đi, không ngóc đầu lên được nữa.
3/ Mỗi dự án phải có (a) bảo hiểm tai nạn đủ để giải quyết hậu quả ngắn và dài hạn, kể cả làm sạch môi trường sau đó (b) dự trù ít nhất 1 - 3% doanh thu để đầu tư, nâng cấp và tu sửa thường xuyên hệ thống an toàn của nhà máy; để cập nhật kiến thức về an toàn; cũng như để huấn luyện và tái huấn luyện nhân viên.
4/ Có các luật lệ chặt chẽ về an ninh môi trường, an toàn lao động, hóa chất độc hại, an toàn công nghệ. Và các luật nầy phải được áp dụng một cách gắt gao; trừng phạt kịp thời và thích đáng những vi phạm ngay từ đầu. Khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ nhân viên tố cáo các vi phạm luật lệ trong các nhà máy.
5/ Lập Cơ quan bảo vệ môi trường, có thẩm quyền độc lập đối với CP, để có thể thực thi có hiệu quả các luật lệ về môi trường, hóa chất độc hại, và các lĩnh vực liên quan khác. Nguyên tắc độc lập của cơ quan nầy là tối quan trọng nhằm hóa giải khuynh hướng của CP chỉ chú ý vào phát triển kinh tế để lập thành tích nhất thời mà không đếm xỉa gì đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng trong tương lai. Nếu không, như thường thấy; CP sẽ lấn át ngành bảo vệ môi trường, và sẵn sàng chấp nhận các dự án đầu tư "bẩn" cũng như vô tư cho phép các cơ sở sản xuất vi phạm an ninh môi trường tiếp tục hoạt động tràn lan; chỉ để theo đuổi mục tiêu hẹp hòi và thiển cận của mình.
6/ Lập một phong trào Xanh trong quần chúng, tổ chức có quy củ, ở khắp các vùng miền của đất nước, nhất là tại các vùng có các nhà máy hóa chất, trung tâm kỹ nghệ và khu chế xuất nhằm (a) phát hiện kịp thời những vấn đề có liên quan đến môi trường và chất lượng cuộc sống (b) thúc đẩy các hoạt động thông tin và giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về tác hại khôn lường của các chất độc hóa học (c) giúp đở dân chúng trong quá trình đấu tranh với các nhà máy, nhà sản xuất, nhà phân phối, trung tâm kỹ nghệ, khu chế xuất, cơ quan công quyền,...để đòi hỏi cho bằng được quyền được sống trong một môi trường lành mạnh; và quyền được tiêu thụ các sản phẩm sạch.
7/ Tạo cơ hội cho dân cư xung quanh có tiếng nói trong các hoạt động của nhà máy. Công khai các loại sản phẩm kinh doanh, phương cách chế tạo và những rủi ro có thể xảy ra trong qui trình sản xuất. Có phương án phối hợp; giữa nhà máy, chính quyền địa phương và dân cư; về các vấn đề báo động, di tản, cứu chữa và cứu trợ; trong trường hợp có sự cố xảy ra .
8/ Tránh tình trạng có liên hệ mật thiết giữa các nhà đầu tư, nhất là các công ty tầm cỡ đa quốc gia, và các viên chức gạo cội có thẩm quyền trong CP, làm ảnh hưởng đến các quyết định có thể phương hại đến quyền lợi chung của đất nước.
Và để thay cho lời kết, xin được phép ghi lại (1) Murphy's law "bất cứ điều không tốt nào, nếu nó có khả năng xảy ra, trước sau gì nó cũng sẽ xảy ra, và nó sẽ xảy ra trong một hoàn cảnh ngặt nghèo nhất." (2) lời vĩnh biệt của một nạn nhân người Ấn, Ô. Sunil Kumar "Đừng để thảm họa Bhopal xảy ra một lần nào nữa!" và (3) cảnh báo của ký giả Raj Keswani trước khi cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu của UCC trở thành một nhà máy giết người hàng loạt ở thành phố Bhopal vào năm 1984 "Nếu chúng ta không ý thức được vấn đề nầy thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt." ./.
Võ đông Pha

Related Posts by Categories



Nhận xét

Bài đăng xem nhiều

Dung sai và các chế độ lắp ghép bề mặt trụ trơn [pdf]

Viết bài: Thanh Sơn, bản quyền thuộc về www.baoduongcokhi.com Ví dụ bạn cần gia công 1 trục bơm ly tâm 1 cấp, khi lên bản vẽ gia công thì cần dung sai gia công, việc chọn dung sai gia công thì căn cứ vào kiểu lắp ghép như vị trí lắp vòng bi: đối với vòng trong vòng bi với trục bơm thì sẽ lắp theo hệ thống lỗ (vì kích thước vòng bi không thay đổi được), nên việc lắp chặt hay trung gian là do bạn lựa chọn dựa trên các tiêu chí ở dưới. Còn thân bơm với vòng ngoài vòng bi thì lắp theo hệ trục (xem vòng ngoài vòng bi là trục). Bạn cũng cần lưu ý việc lắp chặt hay trung gian có thể ảnh hưởng đến khe hở vòng bi khi làm việc nên cần cân nhắc cho phù hợp với điều kiện vận hành, loại vòng bi (cùng loại vòng bi, vòng bi C2, C3 có khe hở nhỏ hơn C4, C4 nhỏ hơn C5). Nếu bạn đang dùng C3, lắp trung gian mà chuyển sang lắp chặt có thể làm giảm tuổi thọ vòng bi vì khe hở giảm hoặc không đáp ứng yêu cầu làm việc. Sơ đồ miền dung sai Miền dung sai Miền dung sai được tạo ra bằng cách phối hợp giữa  1 sai

Bảo trì năng suất toàn diện (Total Productive Maintenance)

Toàn bộ file điện tử powerpoint này: TPM P-1.ppt 1382K TPM P-2.ppt 336K TPM P-3.ppt 2697K Link download http://www.mediafire.com/?upl33otz5orx0e1

Một số thiết bị chưng cất

Ngày nay cùng với sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp thế giới và nước nhà, các ngành công nghiệp cần rất nhiều hoá chất có độ tinh khiết cao. Chưng cất  ( distillation ) là quá trình dùng nhiệt để tách một hỗn hợp lỏng ra thành các cấu tử riêng biệt dựa vào độ bay hơi khác nhau của các cấu tử trong hỗn hợp ở cùng một nhiệt đo. Chưng cất = Gia nhiệt + Ngưng tụ Ta có thể phân biệt chưng cất ra thành quy trình một lần như trong phòng thí nghiệm để tách một hóa chất tinh khiết ra khỏi một hỗn hợp, và chưng cất liên tục, như trong các tháp chưng cất trong công nghiệp.  Xem kênh Youtube của Bảo Dưỡng Cơ Khí!  Hãy đăng ký kênh để nhận thông báo video mới nhất về Thiết bị chưng cất  Trong nhiều trường hợp có một tỷ lệ nhất định của hỗn hợp hai chất lỏng mà không thể tiếp tục tách bằng phương pháp chưng cất được nữa. Các hỗn hợp này được gọi là hỗn hợp đẳng phí. Nếu muốn tăng nồng độ của cồn phải dùng đến các phương pháp tinh cất đặc biệt khác. Có thể sử dụng các loại tháp chưng cất

Giới thiệu về Tua bin khí (Gas Turbine)

Turbine khí, còn được gọi là tuốc bin khí  (Gas Turbine) , là một loại động cơ nhiệt được sử dụng để chuyển đổi nhiệt năng thành năng lượng cơ học thông qua quá trình đốt cháy khí và chuyển động quay turbine. Một máy phát điện Generator kéo bởi một tuốc bin khí. Đây là tổ hợp của máy nén khí + tuốc bin khí + máy phát điện. Không khí được hút vào và nén lên áp suất cao nhờ một máy nén. Nhiên liệu cùng với không khí này sẽ được đưa vào buồng đốt để đốt cháy. Khí cháy sau khi ra khỏi buồng đốt sẽ được đưa vào quay turbine. Vì thế nên mới gọi là turbine khí. Năng lượng cơ học của turbine một phần sẽ được đưa về quay máy nén, một phần khác đưa ra quay tải ngoài, như cách quạt, máy phát điện... Đa số các turbine khí có một trục, một đầu là máy nén, một đầu là turbine. Đầu phía turbine sẽ được nối với máy phát điện trực tiếp hoặc qua bộ giảm tốc. Riêng mẫu turbine khí dưới đây có 3 trục. Trục hạ áp gồm máy nén hạ áp và turbine hạ áp. Trục cao áp gồm máy nén cao áp và turbine cao áp. Trục th

Cách kiểm tra và đánh giá vết ăn khớp (tooth contact) của cặp bánh răng

Viết bài: Thanh Sơn, bản quyền thuộc về  www.baoduongcokhi.com Hộp số với cặp bánh răng nghiêng Tooth contact là một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động hiệu quả và độ bền của bánh răng Mục đích Các bánh răng phải có tải trọng phân bố đều trên bề mặt răng khi làm việc ở điều kiện danh định.  Nếu tải trọng phân bố không đều, áp lực tiếp xúc và ứng suất uốn tăng cục bộ , làm tăng nguy cơ hư hỏng.  Gear Run Out của bánh răng là gì? cách kiểm tra Bánh răng và hộp số, phần 3: Phân tích dầu tìm nguyên nhân hư hỏng bánh răng. Bánh răng và Hộp số, phần 2: Các loại hộp số, bôi trơn, hư hỏng thường gặp Bánh răng và hộp số, phần 1: Các loại bánh răng (types of gears) Để đạt được sự phân bố tải đều, bánh răng cần có độ chính xác trong thiết kế, sản xuất, lắp ráp và lắp đặt các bộ phận của hộp số. Các yếu tố này được kiểm tra, test thử nghiệm và kiểm tra tại xưởng của nhà sản xuất thiết bị. Lắp đặt đúng cách tại hiện trường là bước cuối cùng để đảm bảo khả năng ti

Tải miễn phí phần mềm triển khai hình gò

Phần mềm này sẽ giúp các bạn đưa ra bản vẽ triển khai gia công đầy đủ và chính xác, cho phép các bạn xuất ra bản vẽ Autocad để tiện hơn cho việc tính toán, in ấn , quản lý. [MF] —–  nhấn chọn để download Lưu ý: sau khi giải nén và cài đặt thì chép pns4.exe (có sẵn sau khi giải nén) đè lên file pns4.exe mới. Phiên bản này có đầy đủ kích thước với các kiểu ống và help. Nên chạy run as administrator trong win 7. Xin chào bạn!  Nếu bạn đang thích trang web của chúng tôi và thấy các bài viết của chúng tôi hữu ích, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của bạn. Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tiếp tục phát triển tài nguyên và cung cấp cho bạn nội dung có giá trị hơn nữa.  Cảm ơn bạn đã ủng hộ chúng tôi. Nguyễn Thanh Sơn

Chọn vật liệu chế tạo bánh răng và xử lý nhiệt

Viết bài: Thanh Sơn, bản quyền thuộc về  www.baoduongcokhi.com Điều cần thiết là chọn vật liệu và xử lý nhiệt thích hợp phù hợp với ứng dụng dự kiến ​​của bánh răng. Vì các bánh răng được ứng dụng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, chẳng hạn như máy móc công nghiệp, thiết bị điện/điện tử, đồ gia dụng và đồ chơi, và bao gồm nhiều loại vật liệu, nên chúng tôi muốn giới thiệu các vật liệu điển hình và phương pháp xử lý nhiệt của chúng. Hộp số 1. Các loại vật liệu chế tạo bánh răng a) S45C (Thép cacbon dùng cho kết cấu máy): S45C là một trong những loại thép được sử dụng phổ biến nhất, chứa lượng carbon vừa phải ( 0,45% ). S45C dễ kiếm được và được sử dụng trong sản xuất bánh răng trụ thẳng, bánh răng xoắn, thanh răng, bánh răng côn và bánh răng trục vít bánh vít . Xử lý nhiệt và độ cứng đạt được: nhiệt luyện độ cứng Không < 194HB Nhiệt luyện bằng cách nung nóng, làm nguội nhanh (dầu hoặc nước) và ram thép, còn gọi là quá trìnhT

Sơ đồ tuabin khí chu trình hỗn hợp (combined cycle)

Viết bài KS Nguyễn Thanh Sơn, bản quyền thuộc về  www.baoduongcokhi.com CCGT được gọi là chu trình kết hợp trong nhà máy điện, có sự tồn tại đồng thời của hai chu trình nhiệt trong một hệ thống, trong đó một lưu chất làm việc là hơi nước và một lưu chất làm việc khác là một sản phẩm khí đốt. Giải thích rõ hơn: Turbine khí chu trình hỗn hợp (Combined Cycle Gas Turbine - CCGT) là một hệ thống phát điện sử dụng cùng một nguồn nhiên liệu để vận hành hai loại máy phát điện khác nhau: một máy phát điện dẫn động bởi tuabin khí (gas turbine) và một máy phát điện dẫn động bởi tuabin hơi nước (steam turbine). Hệ thống CCGT được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy điện, do có thể giảm thiểu lượng khí thải và tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng. Nhà máy điện CCGT Trong hệ thống CCGT, nguồn nhiên liệu (thường là khí tự nhiên natural gas hoặc dầu) được đốt trong máy tuabin khí dẫn động cho máy phát điện generator để sản xuất điện. Hơi nước được tạo ra từ lò hơi thu hồi nhiệt (Heat Recove

CÔNG NGHỆ GIA CÔNG VẬT LIỆU BẰNG DÒNG HẠT MÀI

Gia công dòng hạt mài (Abrasive Jet Machining - AJM)   1. Nguyên lý gia công :                                                   Hình 1: Nguyên lý gia công dòng hạt mài.  Gia công dòng hạt mài là phương pháp bóc vật liệu khi dòng khí khô mang hạt mài với vận tốc cao tác động lên chi tiết. Sự va đập của các phần tử hạt mài vào bề mặt chi tiết gia công tạo thành một lực tập trung đủ lớn, gây nên một vết nứt nhỏ, và dòng khí mang cả hạt mài và mẩu vật liệu nứt (mòn) đi ra xa. Phương pháp này rất thuận lợi để gia công các loại vật liệu giòn, dễ vỡ. Khí bao gồm nhiều loại như không khí, CO2, nitơ, heli,…  Khí sử dụng có áp suất từ 0,2 - 1,4 MPa, dòng khí có hạt mài có vận tốc lên đến 300m/s và được điều khiển bởi một van. Quá trình thường được thực hiện bởi một công nhân điều khiển vòi phun hướng dòng hạt mài chi tiết.  Xem kênh Youtube của Bảo Dưỡng Cơ Khí!  Hãy đăng ký kênh để nhận thông báo video mới nhất về Công nghệ gia công kim loại 2. Thiết bị và dụng cụ :  a. Máy:   Hình 2: Sơ đồ củ

Khe hở mặt răng (backlash) và khe hở chân/đỉnh răng (root/tip clearance)

Viết bài : Nguyễn Thanh Sơn, bản quyền thuộc về www.baoduongcokhi.com Các thông số cơ bản của bánh răng Về những thông số của bánh răng, có rất nhiều thông số để phục vụ cho quá trình gia công, thiết kế và lắp đặt máy. Tuy nhiên có một số thông số cơ bản bắt buộc người chế tạo cần phải nắm rõ, gồm: Đường kính Vòng đỉnh (Tip diameter): là đường tròn đi qua đỉnh răng, da = m (z+2) . Đường kính Vòng đáy (Root diameter): là vòng tròn đi qua đáy răng, df = m (z-2.5) . Đường kính Vòng chia (Reference diameter): là đường tròn tiếp xúc với một đường tròn tương ứng của bánh răng khác khi 2 bánh ăn khớp với nhau, d = m.Z   Số răng: Z=d/m Bước răng (Circular Pitch): là độ dài cung giữa 2 profin của 2 răng kề nhau đo trên vòng chia, P=m. π Modun: là thông số quan trọng nhất của bánh răng, m = P/π ; ha=m. Chiều cao răng (whole depth): là khoảng cách hướng tâm giữa vòng đỉnh và vòng chia; h=ha + hf=2.25m, trong đó ha=1 m, hf=1,25 Chiều dày răng (w

Nghe Podcast Bảo Dưỡng Cơ Khí